-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
THỰC TẾ VỀ SIÊU THỰC PHẨM
Monday,
09/11/2020
Đăng bởi: Tuấn Nguyễn
Thuật ngữ “siêu thực phẩm” được sử dụng để định nghĩa các mặt hàng thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng đặc biệt cao (chất chống oxy hóa, vitamin hoặc khoáng chất) và lợi ích sức khỏe đi kèm. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học chứng minh lợi ích sức khỏe thực sự của những thực phẩm này hầu hết là không thuyết phục.
Siêu thực phẩm là gì?
Không có khái niệm nào được công nhận về mặt khoa học đối với “siêu thực phẩm”. Thực phẩm được dán nhãn là “siêu thực phẩm” khi cho rằng thực phẩm đó cung cấp đồng thời nhiều lợi ích sức khỏe hoặc giúp ngăn ngừa bệnh.
Các “siêu thực phẩm” đã trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 20 khi Công ty United Fruit sử dụng thuật ngữ này như một chiến lược tiếp thị với mục tiêu đề cao các lợi ích sức khỏe của chuối. Họ khuyến khích mọi người đưa các loại trái cây này vào chế độ ăn uống hàng ngày trên cơ sở rằng chúng rẻ, dễ mua, bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, và có thể được sử dụng ở cả dạng nấu chín và ăn ngay.
Sau đó, ý nghĩa chuối là một siêu thực phẩm trở nên phổ biến hơn khi các bác sĩ bắt đầu sử dụng loại quả này để điều trị các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như bệnh Celiac và tiểu đường. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cũng đồng ý chuối như một loại thực phẩm nên được sử dụng hàng ngày.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi một mặt hàng thực phẩm được dán nhãn là “siêu thực phẩm” có thể sẽ chuyển đổi thành siêu doanh số. Vấn đề này đặt ra câu hỏi là liệu những “siêu thực phẩm” này có thực sự mang lại lợi ích về dinh dưỡng tối ưu như là nhãn hiệu được sử dụng cho các loại thực phẩm bổ sung của ngành công nghiệp thực phẩm hay không.
Làm thế nào để làm phong phú chế độ ăn uống hàng ngày với “siêu thực phẩm”?
Cần lưu ý rằng, không có thực phẩm nào chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho bữa ăn dinh dưỡng hằng ngày. Việc tập trung quá nhiều vào “siêu thực phẩm” có thể làm mất sự cân đối của các chất dinh dưỡng. Vì vậy cần lựa chọn các thực phẩm tươi sống một cách đa dạng, phong phú.
Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa Kỳ (2015 - 2020), để có chế độ ăn uống lành mạnh, nên đưa vào bữa ăn các chất dinh dưỡng thiết yếu từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau đồng thời chú ý đến giới hạn lượng calo trong món ăn đó sẽ có lợi ích nhiều hơn trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Mặc dù hầu hết về lợi ích của các siêu thực phẩm bị “thổi phồng” quá mức, một số thực phẩm cũng cần phải được công nhận vì lợi ích sức khỏe và giá trị dinh dưỡng to lớn của chúng. Sau đây là danh sách các loại thực phẩm mang lại những lợi ích sau:
- Quả mọng - có nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng chống lại bệnh tật.
- Cá - là một nguồn protein và axit béo omega-3 tốt, rất tốt cho tim mạch.
- Rau lá xanh - chứa một lượng lớn chất xơ, vitamin A, vitamin C, canxi và phytochemical cao.
- Các loại hạt - chẳng hạn như hạt phỉ, hạt điều, quả hồ đào, hạnh nhân và quả óc chó, là nguồn cung cấp protein và axit béo không bão hòa đơn tốt cho tim mạch.
- Dầu ô liu - là một nguồn vitamin E, polyphenol và axit béo không bão hòa đơn.
- Ngũ cốc nguyên hạt - là nguồn tốt của các chất xơ hòa tan và không hòa tan, vitamin B, khoáng chất và phytochemical.
- Sữa chua - có nhiều canxi, protein và vi khuẩn tốt (men vi sinh).
- Các loại đậu - chẳng hạn như đậu đỏ tây, đậu nành và đậu Hà Lan, là nguồn cung cấp protein thực vật, chất xơ và folate tốt.
Một số nghiên cứu đã đánh giá lợi ích đối với sức khỏe của các “siêu thực phẩm”. Các peptide hoạt tính sinh học có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, như ngô, đậu, rau dền, hạt Quinoa và hạt Chia được biết là có nhiều đặc tính như kiểm soát tăng huyết áp, hạn chế sự tích tụ cholesterol, các đặc tính chống viêm, chống ung thư và chống oxy hóa. Do đó, những thực phẩm này được xem là “thực phẩm rất tốt” và thường được kết hợp vào trong các công thức ăn uống.
Ngược lại, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các “siêu thực phẩm” thường được sử dụng quá mức và dữ liệu khoa học khẳng định tính chất phòng ngừa bệnh của một số “siêu thực phẩm” hầu hết không nhất quán và không có kết luận.
Điều quan trọng cần lưu ý trong khi sử dụng thực phẩm được dán nhãn là “siêu thực phẩm” là kiểm tra kỹ hàm lượng chất dinh dưỡng của sản phẩm đó. Người có một số tình trạng sức khỏe cần phải dùng thuốc để kiểm soát nên thảo luận với bác sĩ về phương thức ăn uống của mình để tránh việc làm giảm tác dụng của thuốc. Ví dụ khi đang dùng thuốc để ngăn ngừa huyết khối, việc ăn quá nhiều rau lá xanh giàu vitamin K có vai trò thiết yếu trong quá trình đông máu có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của thuốc.
Khi kết hợp với nhau, một số thực phẩm được cho là “thực phẩm rất tốt” có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng phù hợp cùng với các thực phẩm bổ dưỡng khác. Kế hoạch ăn uống lành mạnh không nên chỉ có toàn bộ là “thực phẩm rất tốt” mà nên chú ý vào tính cân bằng toàn diện.